Hiện nay, có nhiều vụ án cố ý gây thương tích, giết người mà nguyên nhân xuất phát là từ hành vi tự vệ của cá nhân trước sự tấn công của người khác. Vậy, trong trường hợp nào hành vi tự vệ của cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Có thể thấy rõ rằng, hiện nay, ngay trong đầu năm 2022, đã xảy ra rất nhiều vụ việc liên quan đến “Phòng vệ chính đáng”. Nhưng để hiểu rõ một cách chính xác nhất về vấn đề này. Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa hiểu rõ được như thế nào được xem là hành vi phòng vệ chính đáng? Sự khác biệt của hành vi phòng vệ chính đáng với những hành vi khác như Cố ý gây thương tích,…“Phòng vệ chính đáng” là thuật ngữ rất quen thuộc hay được sử dụng trong lĩnh vực Luật hình sự. Tuy nhiên không hẳn ai cũng hiểu phòng vệ chính đáng là gì? Và khi nào được xem là phòng vệ chính đáng. Trong bài viết này, Luật sư tư vấn tại Bình Dương sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Để xác định trong trường hợp nào hành vi cố ý gây thương tích, giết người để tự vệ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trước hết chúng ta phải hiểu phòng vệ chính đáng là gì?
>> Xem thêm: Tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật hình sự
Table of Contents
PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG LÀ GÌ?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì:
“Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”
Theo như quy định trên thì Phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả cần thiết khi bị người khác xâm phạm về tính mạng sức khỏe. Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật mà nó còn thể hiện thái độ tích cực chống trả sự xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác.
Mục đích của Phòng vệ chính đáng là nhằm bảo vệ các lợi ích hợp pháp đồng thời ngăn chặn hành vi tấn công bằng cách gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công. Khi đánh giá hành vi chống trả có cần thiết hay không phải xem xét một cách toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án, trong đó đặc biệt là tâm lý, thái độ của người phòng vệ khi xảy ra sự việc, họ không có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn chính xác phương pháp, phương tiện thích hợp để chống trả, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ, chỉ coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi sự chống trả rõ ràng là quá đáng.
DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA CHẾ ĐỊNH VỀ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG
Về dấu hiệu của trường hợp phòng vệ chính đáng, về mặt khoa học cần có các nội dung sau đây:
– Cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng
Một người vì lợi ích chính đáng của mình hay của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước…được quyền hành động khi nguồn nguy hiểm do con người đã và đang gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp. Các nguồn nguy hiểm khác như gây hại của thú dữ, của súc vật, của thiên nhiên…không coi là cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng.
Quyền phòng vệ chính đáng chỉ phát sinh khi hành vi tấn công trái pháp luật gây thiệt hại đến các lợi ích đang hiện hữu xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu hành vi tấn công xâm hại đã dừng lại trên thực tế thì quyền phòng vệ không còn, bởi gây thiệt hại cho người đã có hành vi tấn công trái pháp luật ở thời điểm này là không cần thiết, không phù hợp với mục đích của phòng vệ chính đáng.
Trường hợp đặc biệt khi hành vi tấn công trái pháp luật tuy chưa xảy ra nhưng chứa đựng nguy cơ xảy ra ngay tức khắc đe dọa các quyền và lợi ích hợp pháp cần bảo vệ cũng làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Điều này xuất phát từ mục đích của chế định phòng vệ chính đáng nhằm bảo vệ và ngăn chặn một cách kịp thời có hiệu quả hành vi xâm phạm trái pháp luật, đồng thời, tạo nên sự chủ động cho người phòng vệ nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại.
Hành vi tấn công trái pháp luật có thể gây thiệt hại đến các quyền về nhân thân, quyền sở hữu hay các lợi ích khác của người phòng vệ hay của người khác…Và hành vi tấn công trái pháp luật phải có mức độ nguy hiểm đáng kể mới làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Những hành vi xâm hại có tính nhỏ nhặt thì không làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng.
Hành vi tấn công trái pháp luật có thể là hành vi tội phạm nhưng cũng có thể không đủ dấu hiệu là tội phạm. Ví dụ như sự tấn công của người tâm thần, mất trí đang đâm chém người khác,…
Biện pháp chống trả của người phòng vệ đối với người đang có hành vi gây thiệt hại, pháp luật cho phép chống trả trong mọi trường hợp mà không buộc người phòng vệ phải lựa chọn biện pháp phòng vệ nhẹ nhàng nhất và cũng không phải chỉ khi không còn biện pháp nào khác mới được quyền phòng vệ. Song đối với hành vi gây thiệt hại của trẻ em, người tâm thần, thì xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo mà thực tiễn xét xử chỉ thừa nhận hành vi gây thiệt hại cho các đối tượng này là hành vi phòng vệ chính đáng khi không còn biện pháp nào khác buộc phải gây thiệt hại cho các đối tượng nêu trên. Ví dụ, người tâm thần đang cầm bó đuốc chạy vào kho xăng dầu của Quân Đội, do tính cấp bách, do không thể còn biện pháp khác thì những người nhìn thấy hiện tượng trên đã dùng vũ lực ngăn chặn nguồn nguy hại nên gây thương tích nặng cho người tâm thần. Hành vi ngăn chặn này được coi là hành vi phòng vệ chính đáng.
– Nội dung và phạm vi của quyền phòng vệ chính đáng
+ Nội dung của quyền phòng vệ chính đáng:
Hành vi phòng vệ chính đáng chỉ được pháp gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi xâm hại các lợi ích hợp pháp. Thiệt hại này có thể là tính mạng, sức khỏe, tài sản của người đang thực hiện hành vi tấn công xâm hại. Thiệt hại về tài sản có thể là thiệt hại về công cụ, phương tiện mà người có hành xâm hại sử dụng.
Hành vi phòng vệ không được phép gây thiệt hại cho người thứ 3. Bởi một trong các mục đích của phòng vệ chính đáng là ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi đang gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp, cho nên người phòng vệ phải ngăn chặn chính nguồn nguy hiểm, chính người đang có hành vi xâm hại. Nếu gây hại cho người khác thì không đạt được mục đích này.
+ Phạm vi của quyền phòng vệ chính đáng, đó là người phòng vệ chỉ được quyền gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công trái pháp luật trong giới hạn cần thiết. Gây thiệt hại trong giới hạn cần thiết thì không bị coi là tội phạm. Giới hạn “cần thiết” được hiểu là biện pháp phòng vệ nói chung đủ mức ngăn chặn sự tấn công và bảo vệ được các lợi ích hợp pháp. Giới hạn cần thiết không có nghĩa là hậu quả mà người phòng vệ đã gây ra phải bằng hay tương đương với thiệt hại mà người có hành vi tấn công trái pháp luật định gây ra. Trong lý luận và thực tiễn áp dụng, hậu quả mà người phòng vệ gây ra có thể lớn hơn nhiều lần hậu quả mà người có hành vi xâm hại định gây ra vẫn được coi là phòng vệ chính đáng nếu đánh giá hành vi phòng vệ là cần thiết đủ mạnh để ngăn chặn sự tấn công của pháp luật.
Cơ sở để đánh giá hành vi phòng vệ trong giới hạn cần thiết hay vượt quá giới hạn cần thiết phải đánh giá tổng hợp qua nhiều căn cứ, cơ sở khác nhau, mà trước hết cần xem xét đến tính chất tầm quan trọng của quan hệ xã hội bị gây thiệt hại, tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi tấn công xâm hại (đánh giá thông qua loại công cụ, phương tiện, biện pháp tấn công…), hậu quả nguy hiểm mà hành vi tấn công có khả năng gây ra…Về phía người phòng vệ; người phòng vệ đã sử dụng công cụ phương tiện, cách thức phòng vệ như thế nào; tương quan lực lượng giữa bên phòng vệ và những người có hành vi tấn công trái pháp luật.v..v….
Việc đánh giá “giới hạn cần thiết” trong phòng vệ chính đáng chỉ là tương đối. Vì vậy, nếu gây thiệt hại rõ ràng vượt quá giới hạn cần thiết thì người phòng vệ vượt quá phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được giảm nhẹ TNHS. Những trường hợp người có hành vi phòng vệ vượt quá không rõ ràng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
ĐIỀU KIỆN ĐỂ XEM LÀ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG
Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 không có quy định về điều kiện được xem là phòng vệ chính đáng tuy nhiên từ định nghĩa về “phòng vệ chính đánh” và từ thực tiễn áp dụng luật thì có thể thấy rằng một người thực hiện hành vi được xem là “Phòng vệ chính đáng” khi có những điều kiện sau:
– Điều kiện từ phía nạn nhân: Nạn nhân phải là người đang có hành vi trái pháp luật nhằm xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi trái pháp luật, trước hết là hành vi phạm tội và những hành vi khác trái với quy định của pháp luật thuộc các ngành luật khác như: Luật hôn nhân và gia đình, luật dân sự, luật hành chính, luật kinh tế và các văn bản pháp luật khác.
– Điều kiện từ phía người có hành vi phòng vệ: Một người vì lợi ích chính đáng của mình hay của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước…được quyền hành động khi nguồn nguy hiểm do con người đã và đang gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp. Quyền phòng vệ chính đáng chỉ phát sinh khi hành vi tấn công trái pháp luật gây thiệt hại đến các lợi ích đang hiện hữu xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Người phòng vệ chỉ được gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm phạm mà gây thiệt hại cho người khác thì mới được xem là phòng vệ chính đáng.
– Điều kiện về sự tương xứng giữa hành vi tấn công gây thiệt hại và hành vi phòng vệ chính đáng: Giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công phải có sự tương xứng. Sự tương xứng không có nghĩa là sự ngang bằng theo nghĩa cơ học, người tấn công sử dụng công cụ phương tiện gì thì người phòng vệ cũng sử dụng công cụ phương tiện đó hoặc hành vi tấn công gây thiệt hại đến mức nào thì người phòng vệ cũng được gây thiệt hại đến mức độ đó. Sự tương xứng ở đây được hiểu là sự tương xứng về tính chất và mức độ được xác định dựa vào các yếu tố chủ quan và khách quan.
– Điều kiện về hành vi chống trả: Hành vi chống trả phải là cần thiết. Cần thiết là không thể không chống trả hoặc không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của người khác, của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
TRƯỜNG HỢP VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG BỊ XỬ LÝ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Khoản 2 Điều 22 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về hành vi Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:
“2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Như vậy, chỉ bị xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng chống trả quá mức cần thiết hoặc không phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Giới hạn “cần thiết” được hiểu là biện pháp phòng vệ nói chung đủ mức ngăn chặn sự tấn công và bảo vệ được các lợi ích hợp pháp. Giới hạn cần thiết không có nghĩa là hậu quả mà người phòng vệ đã gây ra phải bằng hay tương đương với thiệt hại mà người có hành vi tấn công trái pháp luật định gây ra.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này trách nhiệm hình sự của người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không như những trường hợp bình thường. Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã coi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là một trong những tình tiết được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đối với việc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được nêu trên thì luật hình sự Việt Nam đã quy định một số tội phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là: tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136),….
Luật sư tư vấn tại Bình Dương với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, trên mảng lĩnh vực về hình sự, cũng như tham gia quá trình tố tụng, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực pháp luật hình sự cũng như trên mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả. Để giải đáp thắc mắc, hay những vướng bận của quý khách hàng, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
ĐỂ SỬ DỤNG DỊCH VỤ LUẬT SƯ TƯ VẤN TẠI BÌNH DƯƠNG VỀ PHÁP LUẬT HÌNH SỰ, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ:
Hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
Zalo: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
– Mail: [email protected]
– Fanpage: Luật sư Bình Dương
– Website: luatsumhop.vn
Để đặt lịch, Qúy khách vui lòng gọi vào số hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997 để được hẹn trước 1 giờ đồng hồ để chúng tôi sẽ hỗ trợ Qúy khách.
Bài viết liên quan:
Pingback: Hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự 2015