Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là một quy định pháp lý được mọi người quan tâm. Giao dịch dân sự có thể xảy ra hằng ngày với nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, để đảm bảo rằng giao dịch dân sự mà chúng ta xác lập có hiệu lực thì việc tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là vô cùng cần thiết.

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

Một là, chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập.

Hai là, chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Một trong các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự là tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí nên chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện trong việc thể hiện và bày tỏ ý chí của mình.

Các chủ thể tự do lựa chọn loại giao dịch, đối tượng, hình thức… để xác lập giao dịch. Tuy nhiên, sự tự do thể hiện ý chí phải nằm trong giới hạn luật định. Trước khi tham gia giao dịch dân sự, các chủ thể có quyền tự do quyết định tham gia hay không tham gia giao dịch dân sự, không bị chi phối hoặc không bị ép buộc, cấm đoán, đe doạ. Trường hợp giao dịch dân sự không được xác lập trên cơ sở tự nguyện mà bị đe dọa, cưỡng ép sẽ là một trong các căn cứ để giao dịch dân sự bị tuyên vô hiệu.

Xem thêm tại: các trường hợp hợp đồng vô hiệu

Ba là, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Mục đích xác lập giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó, ví dụ: A bán căn nhà cho B. Mục đích của A trong giao dịch là thu được khoản tiền từ việc bán nhà; còn mục đích của B là được quyền sở hữu đối với căn nhà đó.

Còn nội dung của giao dịch dân sự là tổng hợp các điều khoản, các cam kết xác định quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể, có tính chất ràng buộc các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự, ví dụ: Trong hợp đồng cho mua bán nhà, các nội dung chính của giao dịch (hợp đồng) này gồm: giá bán, hình thức thanh toán, thời hạn thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên…

Để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật thì mục đích và nội dung của giao dịch cần thỏa mãn hai điều kiện:

  + Thứ nhất, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của pháp luật. Điều cấm của luật là những quy định mà pháp luật không cho phép thực hiện. Ví dụ: mua bán ma túy, vũ khí,…

  + Thứ hai, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không trái đạo đức xã hội. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Bốn là, hình thức của giao dịch dân sự phải phù hợp với quy định của pháp luật. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Về nguyên tắc chung, người xác lập giao dịch có quyền lựa chọn hình thức của giao dịch. Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng hình thức nhất định thì các bên giao kết giao dịch dân sự cần phải tuân hình thức luật định.

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Hình thức giao dịch dân sự là một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Một là, hình thức bằng lời nói. Hình thức bằng lời nói được coi là hình thức phổ biến nhất trong xã hội hiện nay mặc dù hình thức này có mức độ xác thực thấp nhất. Hình thức bằng lời nói thường được áp dụng đối với các giao dịch được thực hiện ngay và chấm dứt ngay sau đó (mua bán trao tay) hoặc giữa các chủ thể có quan hệ mật thiết, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng cũng có những trường hợp giao dịch dân sự bằng lời nói phải đảm bảo tuân thủ những điều kiện luật định mới có giá trị, như điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng,…

Hai là, hình thức bằng văn bản. Hình thức này có hai loại chính:

  + Hình thức văn bản không bắt buộc công chứng, chứng thực. Thường được áp dụng trong trường hợp các bên tham gia giao dịch dân sự thỏa thuận hoặc pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng hình thức văn bản. Hình thức này có tính xác thực cao hơn và rõ ràng hơn so với trường hợp giao dịch được thể hiện bằng lời nói.

Ví dụ: tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư.

  + Hình thức văn bản bắt buộc có công chứng, chứng thực. được áp dụng trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự buộc phải được thành lập bằng văn bản có công chứng, chứng thực hoặc do các bên có thỏa thuận phải có chứng nhận, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép thì các bên phải tuân thủ hình thức, thủ tục đó.

 Ví dụ: hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; hợp đồng mua bán nhà ở thương mại; hợp đồng tặng cho nhà ở thương mại,…

Ba là, giao dịch bằng hành vi. Giao dịch dân sự có thể được xác lập thông qua những hành vi nhất định theo quy ước quy định trước, ví dụ như mua nước bằng máy tự động. Giao dịch có thể được xác lập thông qua hình thức này mà không nhất thiết phải có sự hiện diện đồng thời của tất cả các bên giao kết. Hình thức này ngày càng trở nên phổ biến đối với những quốc gia có nền công nghiệp tự động hóa phát triển.

Xem thêm tại: Hợp đồng dân sự

Trên đây là một số quy định cơ bản về  điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, để tìm hiểu kỹ hơn hoặc có nhu cầu giải đáp thắc mắc, tư vấn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình xoay quanh các quy định này. Quý khách hành có thể liên lạc với chúng tôi, với đội ngũ Luật sư có nhiều năm kinh nghiệm chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ quý khách hàng.

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Luật Sum Họp tại:

Hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997

Zalo: 038.22.66.998 – 038.22.66.997

– Mail: [email protected]

– Fanpage: Luật sư Bình Dương

– Website: luatsumhop.vn

Để đặt lịch, Qúy khách vui lòng gọi vào số hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997 để được hẹn trước 1 giờ đồng hồ để chúng tôi phân công Luật sư hỗ trợ Qúy khách.

>> xem thêm: Văn phòng luật sư tại Dĩ An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *