Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất từ người để lại di sản cho người hưởng di sản. Một người có thể nhận thừa kế quyền sử dụng đất thông qua di chúc hoặc được hưởng thừa kế theo pháp luật. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu nên khi nhận thừa kế người được hưởng phải đảm bảo tuần theo các trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật về đất đai.

Dưới đây sẽ là trình tự, thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất khi được hưởng thừa kế:

BƯỚC 1: THỦ TỤC KHAI NHẬN HOẶC PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Sau khi người để lại di sản chết, việc đầu tiên mà người thừa kế cần làm là tiến hành thỏa thuận phân chia di sản nếu có nhiều người cùng thừa kế muốn chia di sản hoặc khai nhận di sản nếu nhiều người thừa kế muốn sở hữu chung di sản

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người thừa kế có thể tiến hành các thủ tục khai nhận/phân chia di sản khác nhau:

+ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản: Nếu những người thừa kế muốn quyền sử dụng đất được chia cụ thể cho từng người, mỗi người có quyền sử dụng riêng thì sẽ lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Áp dụng trong trường hợp thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người.

Văn bản khai nhận di sản: Nếu những người thừa kế muốn sở hữu chung quyền sử dụng đất, cùng quản lý và sử dụng thì lập văn bản khai nhận di sản. Áp dụng trong trường hợp người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó.

Lưu ý: Nếu các bên không thể tự thỏa thuận phân chia di sản dẫn đến phát sinh tranh chấp thì phải yêu cầu Tòa án giải quyết. Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 26 và điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền Tòa án có thể yêu cầu giải quyết là Tòa án cấp huyện nơi có bất động sản.

Công chứng văn bản khai nhận di sản, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

cong-chuc-khai-nhan-di-san
Công chứng khai nhận di sản (Ảnh minh họa)

Thủ tục khai nhận hoặc phân chia di sản quyền sử dụng đất được thực hiện tại phòng công chứng theo quy định của Điều 57, 58 Luật công chứng 2014.

Theo đó, văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Người thừa kế phải nộp một bộ hồ sơ có các giấy tờ theo sự hướng dẫn của từng phòng công chứng, các giấy tờ đó thường là:

  1. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản (bắt buộc theo khoản 2 Điều 57 Luật công chứng 2014). Bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật đất đại 2013 đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận.
  2. Giấy chứng tử của người/những người để lại di sản.
  3. CMND/căn cước công dân/hộ chiếu, hộ khẩu của những người thừa kế còn sống tại thời điểm làm thủ tục.
  4. Giấy chứng tử, xác nhận phần mộ, giấy xác nhận/chứng minh quan hệ của những người thừa kế đã chết tại thời điểm làm thủ tục.
  5. Trường hợp thừa kế theo pháp luật: Phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
  6. Trường hợp thừa kế theo di chúc: Phải có bản sao hoặc bản gốc di chúc.
  7. Trường hợp có các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế phải được thanh toán như thì cần có các giấy tờ, tài liệu liên quan về việc có nghĩa vụ tài sản, việc đã thanh toán hay chưa thanh toán các nghĩa vụ tài sản này.

Kiểm tra hồ sơ công chứng

Công chứng viên phải kiểm tra hồ sơ yêu cầu công chứng để xác định người yêu cầu có phải là người hưởng di sản hay không, người để lại di sản có đúng là người có quyền sử dụng đất không.

Nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định

Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản

Nhằm xác định xem tài sản thừa kế về quyền sử dụng đất có tranh chấp hay không thì tổ chức hành nghề công chứng có cách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản công khai  trụ sở của UBND cấp xã nơi thường trúc cuối cùng của người để lại di sản trước khi thực hiện công chứng

Thủ tục này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP:

“Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản;

Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó. Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.”

BƯỚC 2: ĐĂNG KÝ DI SẢN THỪA KẾ LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

thu-tuc-thua-ke-quyen-su-dung-dat
Thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất (Ảnh minh họa)

Sau khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế, người thừa kế quyền sử dụng đất là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Trình tự, thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:

Người nhận thừa kế nộp 1 bộ hồ sơ để thực hiện quyền sử dụng đất thừa kế của mình

Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.

Hồ sơ nộp khi thực hiện chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT như sau:

  1.  Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
  2.  Văn bản về việc thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;
  3.  Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ các điều kiện theo quy định thì phải thực hiện các công việc sau:

+ Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, bao gồm:

Thuế thu nhập cá nhân : Mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất là 10% Hiện nay áp dụng theo Thông tư 111/2013/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC.

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 10%

Trường hợp được miễn thuế:

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân thì trường hợp nhận thừa kế là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau được miễn thuế thu nhập cá nhân

Lệ phí trước bạ: 0,5 % giá trị quyền sử dụng đất,

Cụ thể Tiền lệ phí phải nộp = (Diện tích đất) x (Giá đất) x 0,5%.

Lệ phí trước bạ là 1 khoản lệ phí mà người sở hữu tài sản (từ hoạt động mua, chuyển nhượng, thừa kế…) phải kê khai và nộp cho cơ quan thuế trước khi đưa tài sản vào sử dụng.

Trường hợp miễn lệ phí trước bạ:

Theo quy định tại Nghị định 140/2016/NĐ-CP quy định về Lệ phí trước bạ và khoản 10 Điều 5 Thông tư 301/2016/TT-BTC quy định hướng dẫn về lệ phí trước bạ

Khoản lệ phí này sẽ được miễn đối với những đối tượng thuộc diện được thừa kế giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.” 

> Lệ phí địa chính: Căn cứ vào từng quyết định của địa phương nên tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp.

> Lệ phí thẩm định: Căn cứ pháp lý tùy thuộc vào từng địa phương.

+ Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;

+ Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Thời hạn giải quyết:

Không quá 10 ngày (điểm l khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).

Trên đây là toàn bộ giải đáp của luật sư Luật Sum Họp về các thắc mắc xoay quanh trình tự thủ tục nhận thừa kế di sản là quyền sử dụng đất. Nếu quý khác còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo thông tin sau:

Website: luatsumhop.vn

Fanpage: Hỗ trợ pháp lý 

Hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997

Zalo: 038.22.66.998 – 038.22.66.997

Email: [email protected]

=> Bài viết liên quan:

https://luatsumhop.vn/hoi-dap/luat-su-gioi-tai-di-an-binh-duong/

Thủ tục đăng ký kết hôn mới nhất năm 2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *