Tạm hoãn hợp đồng do Covid-19, người lao động cần lưu ý gì?

Tạm hoãn hợp đồng là  biện pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng đối với người lao động của mình trong diễn biến dịch bệnh COVID-19. Vậy khi tạm hoãn hợp đồng thì thời hạn tạm hoãn là bao lâu, quyền lợi của người lao động có được đảm bảo không?

1/ Không được trả lương, đóng bảo hiểm trong thời gian tạm hoãn hợp đồng

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng có thể hiểu là việc tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động tạm thời, trong một thời hạn nhất định với lý do chính đáng theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa các bên.

Căn cứ khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động, trong thời gian tạm hoãn, quyền lợi của của người lao động được giải quyết như sau:

2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, nếu không có thỏa thuận riêng thì trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động sẽ không được trả lương và hưởng các quyền lợi theo hợp đồng lao động.

Liên quan đến việc tham gia bảo hiểm xã hội, khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH nêu rõ:

Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Do đó, nếu thời gian tạm hoãn hợp đồng từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó người lao động sẽ không được đóng các loại bảo hiểm của tháng đó.

luu-y-khi-tam-hoan-hop-dong-do-covid-19
Cần lưu ý gì khi tạm hoãn hợp đồng lao động do Covid-19? (Ảnh minh họa)

2/ Hết thời hạn tạm hoãn, người lao động được trở lại làm việc

Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo đó, tạm hoãn hợp đồng bởi lí do Covid-19 thuộc trường hợp tạm hoãn do thỏa thuận của các bên. Do đó, thời hạn tạm hoãn hợp đồng sẽ do các bên tự thỏa thuận.

Như vậy, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng đã giao kết nếu hợp đồng đó còn thời hạn.

Nếu không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác) người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính với mức tiền từ 03 – 07 triệu đồng (điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc phải trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 28/2020.

3/ Tạm hoãn hợp đồng lao động do Covid-19 được nhận tiền trợ cấp

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP, không phải mọi người lao động tạm hoãn hợp đồng hay nghỉ việc không hưởng lương đều được nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên muốn được hỗ trợ, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch Covid-19.

– Có thời gian tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương từ 15 ngày liên tục trở lên tính từ 01/5/2021 – hết 31/12/2021.

– Đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương.

Mức hỗ trợ dành cho người lao động được xem xét dựa trên thời gian mà người lao động phải tạm hoãn hợp đồng:

– Tạm hoãn từ 15 ngày liên tục trở lên – dưới 01 tháng:

Trợ cấp 01 lần = 1.855.000 đồng/người

– Tạm hoãn từ 01 tháng trở lên:

Trợ cấp 01 lần = 3.710.000 đồng/người

– Trường hợp đang mang thai, lao động nữ được hỗ trợ thêm = 01 triệu đồng/người.

– Trường hợp đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi, người lao động được nhận thêm tiền hỗ trợ(chỉ hỗ trợ 01 người là cha hoặc mẹ) = 01 triệu đồng/trẻ em.

Trợ cấp này mặc dù là dành cho người lao động nhưng người thực hiện các thủ tục nhận tiền hỗ trợ lại là người sử dụng lao động.

– Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

1 – Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

2 – Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 05 tại Phụ lục của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

3 – Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau:

  • Giấy tờ chứng minh lao động nữ đang mang thai;
  • Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ;
  • Giấy chứng nhận nuôi con nuôi;
  • Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Nơi nộp: Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp huyện nơi đơn vị sử dụng lao động đặt trụ sở chính

+ Thời hạn nộp: Chậm nhất 31/01/2022.

+ Sau khi thẩm định: UBND cấp huyện trình hồ sơ cho UBND cấp tỉnh phê duyệt.

– Thời gian giải quyết: từ 02 – 04 ngày kể từ ngày đơn vị sử dụng lao động nộp đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh phê duyệt và chỉ đạo chi trả tiền hỗ trợ.

Căn cứ: Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Trên đây là các quy định về tạm hoãn hợp đồng lao động do Covid-19 đã được Luật Sum Họp giải đáp. Nếu quý khách có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay cho Luật Sum Họp để được tư vấn và giải đáp.

Quý khách hàng liên hệ qua:

Website: luatsumhop.vn

Fanpage: Hỗ trợ pháp lý 

Hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997

Zalo: 038.22.66.998 – 038.22.66.997

Email: [email protected]

=> Bài viết liên quan

Trình tự xử lý kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019

Tranh chấp lao động là gì? Cách giải quyết tranh chấp lao động cá nhân?

One thought on “Tạm hoãn hợp đồng do COVID-19, người lao động cần lưu ý gì?

  1. Pingback: Hợp đồng lao động có thời hạn có được ký kết nhiều lần không

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *