Người lao động bị “Nợ lương”, có lẽ sẽ không bao giờ trở thành một chủ đề bị quên lãng khi một số doanh nghiệp vẫn luôn muốn tìm cho mình một lý do nào đó chỉ để trì hoãn việc thanh toán lương cho người lao động. Vậy người lao động cần làm gì khi bị nợ lương? Pháp luật bảo vệ người lao động như thế nào? Luật Sum Họp xin gửi tới quý khách hàng những tư vấn cụ thể và chi tiết nhất đối với vấn đề này trên cơ sở các quy định của pháp luật lao động hiện hành.
1. Trường hợp nào người sử dụng lao động được “nợ lương” theo quy định của pháp luật?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 (“BLLD”) thì người sử dụng lao động chỉ được chậm trả lương cho người lao động khi việc chậm trả lương là do bất khả kháng và người sử dụng lao động đã cố gắng khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương cho người lao động. Tuy nhiên việc trả lương sẽ không được chậm quá 30 ngày kể từ ngày phải trả lương theo hợp đồng lao động.
Ngoài ra cũng tại điều khoản này có quy định, nếu sau 15 ngày kể từ thời điểm phải trả lương theo hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động vẫn chưa trả lương cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ phải trả thêm cho người lao động số tiền lãi chậm trả (theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động) ngay cả khi người sử dụng lao động chậm trả lương do bất khả kháng.
Tại đây người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ phải chứng minh về sự việc bất khả kháng cũng như các biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thực hiện được đối với người lao động.
2. Người lao động cần làm gì khi biết việc người sử dụng lao động “nợ lương” không phải do bất khả kháng theo quy định của pháp luật?
Theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ – CP thì người sử dụng lao động sẽ phải chịu mức xử phạt từ 5.000.000 – 50.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 10.000.000 – 100.000.000 đối với tổ chức về hành vi trả lương không đúng hạn, không trả hoặc trả không đầy đủ lương theo hợp đồng lao động cho người lao động. Đồng thời người sử dụng lao động sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là “Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi này”.
Tại đây, khi bị chậm trả lương từ người sử dụng lao động, nếu nhận thấy việc chậm trả lương không phải do bất khả kháng, người lao động có thể liên hệ tố cáo ngay tới UBND huyện hoặc Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi mà người sử dụng lao động đặt trụ sở để xem xét và giải quyết.
3. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 BLLD thì người lao động sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước với người sử dụng lao động khi không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng hạn.
Tức người lao động sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ngay lập tức khi người sử dụng lao động có hành vi chậm trả lương nhưng không phải là do bất khả kháng.
Trên đây là toàn bộ nội dung chúng tôi muốn gửi tới Quý khách hàng. Để được tư vấn cụ thể và có những giải đáp tốt nhất, Quý khách hàng hãy liên hệ ngay cho chúng tôi bằng một trong những phương thức sau:
Website: luatsumhop.vn
Fanpage: Hỗ trợ pháp lý
Hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
Zalo: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
Email: [email protected]
===> Bài viết liên quan:
Pingback: Trình tự xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật