Dưới khó khăn do đại dịch Covid-19 trong năm 2021, người lao động càng trông chờ vào những thay đổi về chính sách tiền lương trong năm mới. Vậy sang năm 2022 tới đây, lương tối thiểu vùng có tăng không?
Table of Contents
1. Sang năm 2022, lương tối thiểu vùng có tăng không?
Lương tối thiểu được khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa như sau:
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Trong năm 2020, với ảnh hưởng của những làn sóng Covid-19 đầu tiên, lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2021 đã được thống nhất là không tăng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động.
Năm 2021, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do sự lây lan của các biến chủng Covid mới làm nền kinh tế bị thiệt hại nghiêm trọng. Do vậy, khả năng tăng lương tối thiểu vùng 2022 là rất thấp.
Dự kiến lương tối thiểu vùng 2022 vẫn sẽ áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc |
Mức lương |
Vùng I |
4.420.000 đồng/tháng |
Vùng II |
3.920.000 đồng/tháng |
Vùng III |
3.430.000 đồng/tháng |
Vùng IV |
3.070.000 đồng/tháng |
Như vậy, nếu lương tối thiểu vùng năm 2022 mà áp dụng mức trên thì đồng nghĩa rằng người lao động sẽ không được tăng lương tối thiểu vùng trong 02 năm liên tiếp là năm 2021 và năm 2022.
2. Lương tối thiểu vùng 2022 ảnh hưởng như thế nào đến người lao động?
Lương tối thiểu vùng có ảnh hưởng trực triếp đến nhiều quyền lợi của người lao động. Do đó, nếu không tăng lương tối thiểu vùng năm 2022, đương nhiên các khoản tiền sau đây cũng sẽ không có gì thay đổi trong năm tới. Cụ thể:
1 – Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động
Căn cứ Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương được trả cho người lao động bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Ngoài ra, theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề còn được trả cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
2 – Mức lương tháng tối thiểu và tối đa đóng bảo hiểm
Theo Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, mức tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được ghi nhận trong hợp đồng lao động.
Ngoài ra theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức lương này cũng được xác định làm căn cứ để đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Mức lương thấp nhất trả cho người lao động là lương tối thiểu vùng nên mức lương thấp nhất làm căn cứ đóng các loại bảo hiểm cũng chính là lương tối thiểu vùng.
Bên cạnh đó, Điều 15 Quyết định 595/QĐ-BHXH cũng giới hạn mức lương tối đa đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động làm việc tại doanh nghiệp là 20 lần lương tối thiểu vùng. Còn mức lương tối đa đóng các loại bảo hiểm bắt buộc khác là 20 lần mức lương cơ sở.
3 – Tiền lương tối thiểu khi điều chuyển công việc
Theo khoản 3 Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019, khi chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì được trả theo lương mới. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Lưu ý: Nếu lương mới thấp hơn lương cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong 30 ngày làm việc.
4 – Tiền lương ngừng việc trả cho người lao động
Căn cứ khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, nếu vì sự cố về điện, nước, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm,… mà phải ngừng việc, người lao động được trả lương ngừng việc với mức thấp nhất bằng lương tối thiểu vùng trong 14 ngày ngừng việc đầu tiên.
5 – Số tiền làm căn cứ để tính thiệt hại do người lao động gây ra
Theo khoản 1 Điều 129 Bộ luật Lao động, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc gây thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp với mức độ không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng thì phải bồi thường tối đa 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương.
3. Trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp có bị phạt?
Như đã chỉ ra ở trên, tiền lương ít nhất trả cho người lao động phải bằng với mức lương tối thiểu vùng. Nếu trả lương cho người lao động không đúng quy định, phía người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:
3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Như vậy, tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm mà người sử dụng lao động là cá nhân có thể phải nộp phạt lên đến 75 triệu đồng. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị xử phạt gấp đôi lên đến 150 triệu đồng.
Ngoài ra, phía doanh nghiệp còn buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Trên đây là toàn bộ các giải đáp của Luật sư Luật Sum Họp, nếu quý khách có bất kỳ câu hỏi nào khác có liên quan có thể liên hệ ngay cho chúng tôi thông qua các cách sau:
Website: luatsumhop.vn
Fanpage: Luật sư Bình Dương
Hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
Zalo: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
Email: [email protected]
=> Bài viết liên quan: