Di sản dùng cho việc thờ cúng thì người thừa kế có được bán không? Là thắc mắc của rất nhiều người khi người mất để lại di chúc. Cùng tìm hiểu với Luật Sum Họp về việc di sản dùng cho việc thờ cúng có được bán không nhé:
Hiện nay, di sản thừa kế được để lại cho người thừa kế theo hai phương thức: Theo di chúc và theo pháp luật. Trong đó, quyền của người lập di chúc được nêu tại Điều 626 Bộ luật dân sự, gồm có:
– Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
– Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
– Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
– Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Khi đó, các trường hợp được áp dụng thừa kế theo pháp luật nêu tại Điều 650 Bộ luật Dân sự gồm:
– Di sản không có di chúc, di chúc không hợp pháp, người hưởng di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; người hưởng di sản theo di chúc không có quyền hưởng hoặc từ chối;
– Áp dụng với phần di sản không được định đoạt trong di chúc; có liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực…
Đặc biệt, khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự khẳng định, nếu người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế.
Theo phân tích ở trên, di sản dùng cho việc thờ cúng chỉ xảy ra trong trường hợp người để lại di chúc có phân định một phần di sản của mình làm thờ cúng.
Lưu ý: Khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Như vậy, mặc dù di sản nếu được chia theo di chúc thì chỉ trong trường hợp di sản của người chết đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà người này để lại thì có thể để một phần di sản vào việc thờ cúng.
Có được bán di sản dùng cho việc thờ cúng không?
Cũng theo khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản được dùng cho việc thờ cúng quy định như sau:
Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng;
Theo đó, di sản dùng cho việc thờ cúng mà không được chia thừa kế. Đồng thời, phần di sản này được giao cho người được chỉ định trong di chúc để quản lý và thực hiện việc thờ cúng.
Như vậy, phần di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ được dùng cho việc thờ cúng mà không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ người thừa kế hoặc người nào khác.
Ngoài ra, Điều 645 Bộ luật Dân sự cũng quy định cụ thể về việc chỉ định người quản lý di sản dùng cho việc thờ cúng như sau:
– Người để lại di chúc chỉ định trong di chúc người quản lý phần di sản dùng cho việc thờ cúng;
– Những người thừa kế giao phần di sản dùng cho việc thờ cúng cho người khác quản lý nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của người thừa kế;
– Người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Nếu những người thừa kế theo di chúc đều chết thì phần di sản dùng cho việc thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
Nói tóm lại: Việc để lại di sản dùng cho việc thờ cúng được thực hiện theo ý chí của người lập di chúc. Phần di sản này không được chia thừa kế nên không được phép bán phần di sản này trừ trường hợp để thanh toán nghĩa vụ do người chết để lại mà toàn bộ di sản không đủ để thực hiện.
Trên đây là toàn bộ các giải đáp về di sản dùng cho việc thờ cúng của Luật sư Luật Sum Họp, nếu quý khách có bất kỳ câu hỏi nào khác có liên quan có thể liên hệ ngay cho chúng tôi thông qua các cách sau:
Website: luatsumhop.vn
Fanpage: Hỗ trợ pháp lý
Hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
Zalo: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
Email: [email protected]
=> Bài viết liên quan: