Bồi thường thiệt hại về danh dự quy định như thế nào? Mức bồi thường thiệt hại tối đa bao nhiêu? Sau đây, Luật Sum Họp sẽ giải đáp cho bạn cụ thể về vấn đề này:
Table of Contents
Danh dự, nhân phẩm của người khác được pháp luật bảo vệ
Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 nêu rõ:
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Theo đó, mỗi người đều được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Đồng thời, đây cũng là quy định được nêu tại Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự. Cụ thể:
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Bởi vậy, việc xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật và mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 1800/BTTTT-PTTH&TTĐT quán triệt về vấn đề này.
Cụ thể, thời gian qua có khá nhiều người lợi dụng tính năng livestream, group chat… để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật trong đó chủ yếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác… gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để kịp thời chấn chỉnh hiện tượng này, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời nội dung vi phạm trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội, chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Theo quy định hiện hành, nếu một người xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính
Theo điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, nếu lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì cá nhân có thể bị phạt từ 05 – 10 triệu đồng; tổ chức bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu việc bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác ở mức độ nghiêm trọng thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ Luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất là 05 năm hoặc Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất là 07 năm.
Cách xác định tiền bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín
Ngoài bị phạt tiền hoặc bị phạt tù tùy vào mức độ vi phạm, khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự nêu rõ:
Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại
Đồng thời, khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự cũng khẳng định:
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, khi một cá nhân bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín mà có thiệt hại xảy ra thì có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại và người vi phạm có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho người này.
Về việc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định gồm các loại thiệt hại sau:
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
– Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu.
Trong đó, việc ấn định mức bồi thường thiệt hại, hình thức và phương thức bồi thường thiệt hại do các bên thỏa thuận theo quy định tại khoản 2 Điều 585 Bộ luật Dân sự.
Nếu các bên không thỏa thuận được thì xác định mức bồi thường thiệt hại dựa theo các yếu tố sau đây:
– Căn cứ vào thiệt hại thực tế mà người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm phải chịu để hạn chế, khắc phục thiệt hại; do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Những thiệt hại này phải có chứng từ, hóa đơn kèm theo gồm các chi phí theo hướng dẫn của Nghị quyết 03/2006/NĐ-CP gồm:
- Chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm;
- Tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Thu nhập do việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà bị mất hoặc bị giảm sút…
– Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời dựa theo mức thiệt hại thực tế xảy ra.
Riêng mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết sẽ do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 mức lương cơ sở.
Hiện nay, lương cơ sở đang là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Như vậy, trong quá trình giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, hai bên có thể tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường.
Do đó, nếu thỏa thuận được thì không giới hạn con số mà các bên phải bồi thường cho nhau, có thể là một triệu, một trăm triệu, một tỷ, một nghìn tỷ đồng… hoặc thậm chí chỉ cần một câu xin lỗi.
Nếu không tự thỏa thuận được, Tòa án sẽ căn cứ vào các chứng cứ, hóa đơn… liên quan đến thiệt hại thực tế xảy ra khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm để tính số tiền phải bồi thường thiệt hại. Riêng tiền bồi thường về tinh thần, nếu không thỏa thuận được thì cao nhất là 10 tháng lương cơ sở tương đương là 14,9 triệu đồng trong năm 2021.
Trên đây là toàn bộ các giải đáp về bồi thường thiệt hại của Luật sư Luật Sum Họp, nếu quý khách có bất kỳ câu hỏi nào khác có liên quan có thể liên hệ ngay cho chúng tôi thông qua các cách sau:
Website: luatsumhop.vn
Fanpage: Hỗ trợ pháp lý
Hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
Zalo: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
Email: [email protected]
=> Bài viết liên quan: