Việc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi cần phải đảm bảo những nguyên tắc nào? Bởi vì độ tuổi từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi là độ tuổi còn khá trẻ, nhận thức tính chất nguy hiểm của hành vi còn nhiều hạn chế.
Table of Contents
1. Định nghĩa về người chưa thành niên trong BLHS:
Người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) được định nghĩa là những người dưới 18 tuổi thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật.
Các chính sách nhằm xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Chương XII BLHS 2015 gồm 18 điều luật, từ Điều 90 đến Điều 107 BLHS 2015 đã dành hẳn 1 chương để quy định chi tiết về chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi, đủ để thấy đây là đối tượng được dành sự quan tâm đặc biệt từ Nhà nước. Sau đây, Luật Sum Họp sẽ giới thiệu các chính sách xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi theo pháp luật Việt Nam
2. Đặc trưng của nhóm đối tượng người dưới 18 tuổi:
Người chưa thành niên, hay trong BLHS 2015 dùng đến thuật ngữ “người dưới 18 tuổi” là những đối tượng cần có sự quan tâm đặc biệt từ gia đình và xã hội.
Nguyên nhân là vì người chưa thành niên thì thường đều có đặc điểm là suy nghĩ ngây ngô, non nớt, dễ bị kích động, trình độ nhận thức cũng như kinh nghiệm sống còn hạn chế.
Chính vì vậy, chính sách xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi cũng cần có sự khác biệt hơn so với các chủ thể khác.
3. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự
Cũng như BLHS 1999, BLHS 2015 quy định chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình.
Ngoài ra, BLHS còn phân loại rõ thành 2 nhóm tuổi: một là từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và hai là đủ 16 tuổi trở lên.
Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 16 tuổi trở lên vẫn giữ nguyên so với luật cũ, bất cứ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên đều phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi của mình.
Tuy nhiên, với nhóm từ 14 đến dưới 16 tuổi thì đã có sự thay đổi về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự. Thay vì phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi hành vi phạm tội thì BLHS 2015 đã giới hạn phạm vi xuống khá nhiều. Cụ thể là người ở độ tuổi này sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại 1 trong 28 điều quy định tại Khoản 2 Điều 12. Ngoài ra, những trường hợp chuẩn bị phạm tội với những người ở nhóm tuổi này cũng được thu hẹp hơn so với luật cũ. Cụ thể, họ sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi chuẩn bị phạm tội giết người (Điều 123) và cướp tài sản (Điều 168).
4. Về việc quyết định hình phạt
Các hình phạt được áp dụng với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Điều 98 BLHS 2015, cụ thể gồm 4 hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.
Phần lớn các hình phạt đều được quy định không vượt quá 1/2 hình phạt so với người trên 18 tuổi phạm cùng tội (trừ hình phạt cảnh cáo và hình phạt tù có thời hạn đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi).
Ví dụ như, nếu bị phạt tiền thì số tiền mà người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải nộp không được vượt quá 1/2 số tiền phạt luật quy định.
Dựa trên nguyên tắc xử lí với người chưa thành niên là phải áp dụng hình phạt mang tính giáo dục, răn đe nhưng vẫn phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ, để họ có thể tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong hình phạt nên BLHS 2015 quy định rằng với những trường hợp mà nếu xét thấy không cần phải ngồi tù thì Tòa có thể miễn ngồi tù và áp dụng các biện pháp khác như giáo dục, giám sát…
Bên cạnh đó, chính sách xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi sẽ không áp dụng hai hình phạt nặng nhất của Hình sự là tù chung thân và tử hình
Các hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, phạt tiền, trục xuất,… cũng sẽ không bị áp dụng với họ
5. Tha tù trước thời hạn có điều kiện
5.1 Điều kiện để được tha tù trước thời hạn có điều kiện
Người dưới 18 tuổi trong quá trình chấp hành hình phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có các điều kiện sau: phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, ý thức cải tạo tốt; đã chấp hành được 1/3 thời hạn phạt tù; có nơi cư trú rõ ràng.
5.2 Quy trình thực hiện việc tha tù trước thời hạn có điều kiện
Việc thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện với người chưa thành niên được quy định tại Khoản 3,4,5 Điều 66 BLHS 2015:
“Theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án.
Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù.
Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
Nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.”
6. Thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt với người chưa thành niên
Xuất phát từ đặc trưng của trẻ vị thành niên là tâm sinh lý, khả năng nhận thức chưa vững vàng nên thủ tục tố tụng hình sự với người dưới 18 tuổi cũng có những điểm khác nhau so với người đã trưởng thành.
Nguyên tắc trong quá trình tố tụng là phải bảo đảm yếu tố thân thiên, thoải mái, phù hợp tâm lí, các thông tin cá nhân được giữ bí mật,…
Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Khi tiến hành tố tụng, cần xác định rõ những vấn đề sau về tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi;
Ðiều kiện sinh sống và giáo dục; Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục; Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.
Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi phải do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm giám sát đối với người bị buộc tội, BLTTHS 2015 xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người đại diện trong việc giao và thực hiện việc giám sát.
Người được giao nhiệm vụ giám sát phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời trong trường hợp người dưới 18 tuổi có dấu hiệu bỏ trốn, mua chuộc, cưỡng ép,…
Các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế cũng được hạn chế một cách tối đa với người chưa thành niên. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam nếu xét thấy chỉ giám sát là không đủ. Thời hạn tạm giam với người dưới 18 tuổi chỉ bằng 2/3 thời hạn với người trên 18 tuổi.
Về thủ tục lấy lời khai, hỏi cung, đối chất: Thời gian lấy lời khai không quá 2 lần/ngày, 2 tiếng/lần, trừ một số trường hợp.
Về quyền bào chữa: người bị buộc tội/người đại diện cho người dưới 18 tuổi phạm tội có thể tự mình bào chữa hoặc chọn người bào chữa. Nếu không thì người bào chữa sẽ do cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án chỉ định.
7. Về thủ tục xét xử:
Phòng xử án được bố trí thân thiện, thành phần HĐXX có những người am hiểu tâm lý trẻ vị thành niên, trường hợp cụ thể cần được bảo vệ thì Tòa án có thể xử kín.
Phiên tòa phải có sự có mặt của người đại diện của bị cáo, đại diện nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt,…
Chánh án TAND tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án có người dưới 18 tuổi của Tòa gia đình và người chưa thành niên
Trên đây là một số thông tin liên quan đến chủ đề chính sách xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ:
Website: luatsumhop.vn
Fanpage: Hỗ trợ pháp lý
Hotline: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
Zalo: 038.22.66.998 – 038.22.66.997
Email: [email protected]